TỔNG QUAN VỀ HUFI LIBRARY

        

          Tên đơn vị: TRUNG TÂM THÔNG TIN - THƯ VIỆN

Tên tiếng Anh:  Library - Information Center

Tên viết tắt: LIB

Website: https://thuvien.huit.edu.vn

Văn phòng:  Tầng 2, Tòa nhà E_140 Lê Trọng Tấn, P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM

Điện thoại: (028) 38 161 673 – 137

Email: thuvien@hufi.edu.vn


1.             LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA THƯ VIỆN

Thư viện trường được thành lập từ năm 1999, lịch sử hình thành và phát triển Thư viện được đổi tên và nâng cấp qua các giai đoạn:

Ngày 01/08/1999, Thư viện trường được thành lập trên cơ sở Tổ công tác thư viện thuộc Phòng Đào tạo. Thư viện có nhiệm vụ: Tổ chức, khai thác, lưu trữ và cung cấp thông tin tư liệu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ thực phẩm, kinh tế, xã hội, nhân văn… phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường Trung học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 15/5/2010, Trung tâm Thư viện được thành lập theo quyết định số 357/QĐ-TCNTP của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, chính thức trở thành đơn vị độc lập trực thuộc Trường. Trung tâm Thư viện có nhiệm vụ: Bổ sung, phát triển nguồn lực thông tin; tổ chức, khai thác, lưu trữ và cung cấp các dịch vụ thông tin đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên, sinh viên; mở rộng liên kết với các thư viện, các trung tâm thông tin trong và ngoài nước; ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào công tác thông tin thư viện; in thẻ học sinh, sinh viên; kinh doanh dịch vụ internet; xuất bản, phát hành giáo trình tài liệu học tập.

Ngày 29/12/2017, Trung tâm Thư viện được đổi tên thành Trung tâm Thông tin - Thư viện theo quyết định số 3734/QĐ-DCT của Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Thông tin - Thư viện có nhiệm vụ:

-   Xây dựng đề án phát triển và lập kế hoạch hoạt động dài hạn, ngắn hạn của Thư viện;

-   Phát triển nguồn tài nguyên thông tin trong và ngoài nước phù hợp với nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường qua việc bổ sung, thu thập sách, báo, tạp chí, tài liệu công cụ, tài liệu điện tử, luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học, ấn phẩm do trường xuất bản,… và các ấn phẩm tài trợ, biếu tặng, tài liệu trao đổi giữa các thư viện;

-   Xây dựng các cơ sở dữ liệu giáo trình, tài liệu tham khảo,… phục vụ công tác giảng dạy, học tập, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường;

-   Tổ chức xử lý, sắp xếp, lưu trữ, bảo quản, kiểm kê, thanh lọc và quản lý tài liệu và các nguồn lực thông tin thư viện;

-   Xây dựng hệ thống tra cứu và thiết lập mạng lưới truy nhập tìm kiếm thông tin tự động;

- Tổ chức phục vụ, hướng dẫn cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường khai thác, tìm kiếm, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin và các sản phẩm dịch vụ thông tin  thư viện;

-   Hợp tác, giao lưu với các thư viện, trung tâm thông tin trong và ngoài nước để chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ,…;

-    Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào công tác thông tin thư viện.

-   Xây dựng quy hoạch, kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ thư viện;

-   Quản lý toàn diện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực của Thư viện được Nhà trường giao. Đề nghị khen thưởng, kỷ luật, quan tâm đời sống, vật chất, văn hóa tinh thần cho các thành viên của Thư viện.

Hiện nay, Tài nguyên thông tin, Dịch vụ thông tin của Thư viện phục vụ đắc lực cho các bậc đào tạo cao học, đại học, cao đẳng, ngắn hạn thuộc các lĩnh vực: công nghệ thực phẩm, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm chất lượng lương thực - thực phẩm, công nghệ chế biến thủy sản, công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường, môi trường - tài nguyên và biến đổi khí hậu, công nghệ hoá học, Công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin, an toàn thông tin, công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, điện tử công nghiệp, lắp đặt thiết bị lạnh, công nghệ kỹ thuật cơ khí,  quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống,  kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, khoa học chế biên món ăn, công nghệ may, ngôn ngữ anh,…

2.      THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Trải qua hơn 20 năm, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường đã trở thành một trong những thư viện hiện đại của hệ thống thư viện đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Với tổng diện tích sử dụng trên 1.700m2 - tọa lạc tại cơ sở chính của trường. Thư viện Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh gồm 4 tầng lầu được thiết kế theo mô hình Không gian học tập chung (Learning Commons) tiện nghi và thân thiện, đáp ứng được môi trường học tập, nghiên cứu chuyên nghiệp dành cho cán bộ viên chức, giảng viên, sinh viên trong trường và có thể phục vụ khoảng 700 người sử dụng cùng lúc tại các khu chức năng:

§   Không gian học tập chung gồm 01 phòng thuyết trình, 01 phòng đọc nghiên cứu (dành cho cán bộ, giảng viên), 04 phòng thảo luận nhóm, khu vực hội thảo, không gian truyền thông sáng tạo… với đầy đủ các trang thiết bị công nghệ thông tin và dịch vụ hỗ trợ học tập nhằm tạo ra một không gian năng động, khuyến khích việc học hỏi, thảo luận, hợp tác và hội ý giữa sinh viên.

§   Không gian cho các dịch vụ thông tin gồm các quầy thông tin, khu vực trưng bày tài liệu mới, khu vực sử dụng máy tính, các điểm truy cập nhanh, các trạm in ấn đa chức năng, trạm mượn trả sách tự động,...giúp bạn đọc có thể dễ dàng khai thác các nguồn tài liệu tại thư viện và định hướng cho bạn đọc khai thác và sử dụng thông tin một cách hiệu quả.

§   Không gian giao lưu học tập gồm các điểm gặp gỡ, khu vực đọc giải trí, sảnh triển lãm,...là nơi người sử dụng được tiếp cận với nguồn tài nguyên tri thức chất lượng cao dồi dào, đáng tin cậy, được tham gia nhiều hoạt động chia sẻ, học hỏi, sáng tạo, giúp các bạn trẻ học tập, giao lưu kết nối, khơi nguồn ý tưởng cho những sáng tạo đam mê trong công việc, cuộc sống để phát triển bản thân.

§   Không gian cho các dịch vụ, sản phẩm đặc biệt gồm khu vực trưng bày các sản phẩm khoa học của Trường,...

Với giải pháp quản lý theo công nghệ RFID thông qua việc sử dụng phần mềm quản lý đồng bộ, cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ nhận dạng sóng tần số radio (RFID - Radio Frequency Identification) và hệ thống các trang thiết bị thư viện: Trạm mượn – trả sách tự động; cổng an ninh thư viện; máy in đa chức năng, chip RFID cho tài liệu,… không chỉ hỗ trợ đắc lực trong quá trình kiểm soát lưu thông, mượn/trả tài liệu, sách báo mà còn nâng cao tính tự phục vụ, tạo sự riêng tư và chủ động của người sử dụng trong việc thực hiện các thủ tục mượn/ trả sách mà không yêu cần sự can thiệp của cán bộ thư viện.

Nội thất thư viện được thiết kế tinh tế, hài hoà với gam màu sáng chủ đạo nhằm tạo không gian học tập đầy cảm hứng và sáng tạo.

Nguồn tài nguyên thông tin tại thư viện ngày càng phong phú, đa dạng. Ngoài kho tài liệu môn học gồm giáo trình chuyên ngành, tài liệu tham khảo chính và tài liệu tham khảo mở rộng phục vụ cho từng môn học cụ thể, được sắp xếp theo môn loại khoa học tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dễ dàng tiếp cận với tài liệu; thư viện còn có kho tài liệu điện tử được mã hoá từ các nhà xuất bản cũng như nhiều kho thông tin khoa học số của các trường đại học liên kết; các cơ sở dữ liệu trực tuyến trong và ngoài nước, đĩa CD-ROM, sách điện tử,... giúp người dùng tin chủ động lựa chọn phương thức đọc, mượn tài liệu, nghiên cứu trực tiếp hay làm việc theo nhóm mọi lúc, mọi nơi.

   Ngoài ra, để hỗ trợ tối đa khả năng tiếp cận và khai thác tài nguyên cho người sử dụng,  Thư viện còn cung cấp các dịch vụ chuyên sâu như cung cấp và tìm kiếm thông tin theo yêu cầu; mượn tài liệu liên thư viện thông qua đội ngũ cán bộ có kiến thức, kỹ năng để đưa ra những ý kiến phù hợp với yêu cầu của người dùng tin.

Với thiết kế phù hợp nhiều nhu cầu khác nhau từ đọc sách, học tập, làm việc nhóm, trải nghiệm văn hóa..; nguồn tài nguyên thông tin đa dạng, hạ tầng thiết bị hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt, tính mở cao, thân thiện với người sử dụng,… Cùng với nhà trường, Thư viện cam kết không ngừng sáng tạo, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ học tập, nghiên cứu để trở thành nơi lưu truyền tri thức và ngơi nguồn cảm hứng nghiên cứu, học tập góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới, thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới./.